Là thủ đô của đất nước, mảnh đất Thăng Long – Hà Nội vẫn được coi là trung tâm,biểu tượng văn hóa của cả dân tộc. Những điều gì đã tạo nên một diện mạo văn hóa của Thăng Long- Hà Nội xưa và nay? Không chỉ là lịch sử hình thành và phát triển với bề dày cả nghìn năm. Không chỉ là cảnh quan được thiên nhiên ban tặng và con người không ngừng nỗ lực dựng xây, bồi đắp. Văn hóa Hà Nội còn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Văn hóa Hà Nội còn được tạo nên từ chính những điều giản dị , quen thuộc, đời thường: từ lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Tiếng Hà Nội có đặc trưng như thế nào? Người Hà Nội ăn nói ra sao? Đó cũng chính là những vấn đề mà cố Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Kim Thản đặt ra và lý giải trong công trình “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội”. Sách dày 151 trang, in trên khổ giấy 14.5x20.5cm do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2019.
Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, trong cuốn sách này tác giả Nguyễn Kim Thản đã vận dụng những nền tảng lý thuyết ngôn ngữ kết hợp với việc khảo sát sự biến đổi của lời nói qua cuộc sống sinh hoạt đời thường dưới ảnh hưởng của những yếu tố lịch sử, địa lý để chỉ ra những đặc trưng cơ bản của tiếng Hà Nội: đó là kết quả hội tụ của những gì chung nhất, tinh hoa nhất của tiếng nói các vùng, là tiếng phổ thông của dân tộc suốt nhiều thời đại”
Quan trọng hơn, điều tác giả nhấn mạnh không chỉ đơn thuần ở hình thức sử dụng phương tiện ngôn ngữ mà qua cách thức sử dụng phương tiện ngôn ngữ có thể khẳng định nét bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hà Nội: sự thanh tao, lịch thiệp trong ứng xử, đối đãi, giao tiếp.
Mặc dù được chắp bút từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, đến nay vấn đề mà cuốn sách đặt ra vẫn còn nguyên tính thời sự - là thực trạng của việc “nói năng” và sự cần thiết phải trau dồi để lời nói có tính văn hóa, đúng chuẩn mực ngôn ngữ dân tộc. Điều đó có ý nghĩa không chỉ riêng đối với tiếng Hà Nội mà còn đối với tiếng nói của mọi vùng đất nước, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang được đặt ra cấp thiết trước những tiến trình hội nhập văn hóa.
Với ý nghĩa ấy,một lần nữa Thư viện trường THCS Lệ Chi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “ Lời ăn tiếng nói người Hà Nội” đến với thầy cô và các bạn học sinh. Cuốn sách mang kí hiệu TK- 3213 trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Kính mời thầy cô và các bạn đón đọc!
Cuối cùng em xin chúc các thầy cô mạnh khỏe, công tác tốt. Các bạn học sinh chăm ngoan, học giỏi. Xin chào và hẹn gặp lại ở buổi giới thiệu sách lần sau.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi giới thiệu sách tháng 1 năm học 2020 – 2021.
1. Cuốn sách “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội”.
2. Thư viện trường THCS Lệ Chi giới thiệu cuốn sách “Lời ăn tiếng nói người Hà Nội” tới các thầy, cô giáo và các bạn học sinh.