Kính thưa các thầy cô giáo! Các bạn HS thân mến!
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Trong lịch sử , nhiều tấm gương ham học hỏi đã được truyền tụng, chẳng hạn bắt đom đóm bỏ vào lọ làm ánh sáng thay đèn, buộc tóc lên xà cao để không ngủ gật mà tập viết chữ, lấy que vạch trên đất để học thay giấy bút, sáu, bảy mươi tuổi để không ngủ gật mà tập viết chữ, sáu bảy mươi tuổi vẫn học để đỗ đạt ra làm quan…. Do xuất phát từ quan niệm “phi trí bất hưng”, nhiều gia đình thậm chí còn thắt lưng buộc bụng cho con ăn học nhằm thoát nghèo, để vươn lên làm rạng rỡ tổ tông. Mỗi khi có người đỗ đạt cao, cả tổng, cả làng ra đón rước, cha mẹ và họ hàng, thân tộc của người đó rất hãnh diện. Nhiều làng trọng tri thức còn cho phép người đỗ đạt cao dù ít tuổi cũng được phép ngồi ở đình trung, có tiếng nói trong làng… Sử sách cũng ghi chép về nhiều vị vua ham học, giỏi thơ văn, nhưng đa phần khi nói về họ, người ta chỉ biết về công nghiệp, về việc quản lý đất nước thời vị vua ấy trị vì,còn việc khai thác đề tài các vua chúa ham học ít khi được đề cập tới.Thật ra do có điều kiện được các thầy giỏi kèm từ nhỏ nhằm mục đích đạt được các kiến thức để cai trị quốc gia, phần lớn các vị vua đều đạt đến trình độ nhất định, có vị nổi tiếng có kiến thức uyên thâm, nhất là khi triều đại phong kiến thịnh trị….
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, chúng em xin giới thiệu với thầy cô và các bạn cuốn sách "Những vị vua hay chữ Việt Nam”. Cuốn sách có bìa màu xanh dày 375 trang, xuất bản năm 2020 do nhà xuất bản Dân Trí ban hành. Cuốn sách hiện đang có tại Thư viện trường THCS Lệ Chi với số đăng ký cá biệt 3257 trong tủ sách Thiếu Nhi
Nội dung cuốn sách “Những vị vua hay chữ Việt Nam” kể về cuộc đời, sự ham học hỏi, khả năng và tài năng văn học của một số vua chúa, đặc biệt là các vị vua như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Trịnh Sâm, Minh Mạng, Tự Đức…Nhờ có tầm cao trí tuệ, nhiều vua chúa có hiểu biết khá sâu sắc về đạo Nho, về các nước lân bang, giỏi giang trong việc quản lý đất nước, biết sử dụng nhân tài hoặc có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa của đất nước. Nhiều tác phẩm của các vị vua, trong đó đặc biệt các tác phẩm của Trần Nhân Tông, không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị về Triết học Phật giáo ở Việt Nam.
Với nghệ thuật sử dụng bút pháp nhẹ nhàng, lời văn mộc mạc giản dị đã toát lên được vẻ đẹp của những tấm gương hiếu học. Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu của các thầy cô và các bạn trong việc tìm hiểu các nhân vật lịch sử , đặc biệt là truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Cuối cùng em xin chúc các thầy cô và các bạn một tuần làm việc, học tập vui vẻ, hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại tại thư viện trường THCS Lệ Chi!